TIN TỨC MỚI

Sốt Xuất Huyết Và Cách Phòng Chống Theo Khuyến Cáo Của Bộ Y Tế

Theo các chuyên gia, 4 - 5 năm là chu kỳ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, năm 2022, sốt xuất huyết có thể là thời điểm dịch bùng phát ở nước ta và đỉnh dịch rơi vào khoảng tháng 6 - 7. Trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã ghi nhận 10.052 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021. Số ca sốt xuất huyết nặng là 194, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Sốt xuất huyết là gì và nguyên nhân gây bệnh

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Virus được truyền qua vết muỗi đốt, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti - loài muỗi ưa hút máu người vào ban ngày. Thường là buổi sáng sớm và chiều tà, có thể đốt nhiều lần nếu chưa no máu. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các góc tối, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa khi nhiệt độ trung bình tăng trên 20 độ C.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gồm 2 loài thuộc họ chi Aedes là Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus (có tỉ lệ thấp hơn). Trong đó, Aedes aegypti là tác nhân truyền bệnh chủ yếu. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước và khu vực xung quanh nhà có nước đọng như thùng, chum, vại, xô, lọ hoa, đĩa trồng cây, bể chứa, chai lọ bỏ đi, hộp thiếc, lốp xe… Trứng muỗi có thể tồn tại thời gian dài trong điều kiện rất khô, thường là 1 năm. Tuy nhiên, chúng sẽ nở ngay lập tức sau khi trứng ngập trong nước. Trong suốt vòng đời, muỗi cái có thể đẻ tới 5 lần, mỗi đợt trung bình từ 100 đến 200 trứng.

Phân biệt muỗi vằn và muỗi thường

Muỗi Aedes aegypti

Còn được gọi là muỗi vằn, có kích thước nhỏ, màu đen sẫm, phần thân và chân có những đốm trắng. Muỗi Aedes aegypti có độ dài khoảng 4–7 mm. Trên cơ thể có các mảng màu trắng điển hình ở chân và một vết giống hình đàn lia ở ngực. Con cái lớn hơn con đực và có thể được phân biệt bằng những vòi có vảy bạc hoặc trắng. Loài muỗi này sẽ hoạt động mạnh nhất vào ban ngày, trong khoảng hai giờ sau khi mặt trời mọc và vài giờ trước khi mặt trời lặn. Muỗi thường trú ngụ trong nhà, đặc biệt là những nơi tối tăm như xó nhà, khe tủ, chăn màn…

Môi trường sinh sản chính của muỗi là ở trong các ao hồ, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà như bể nước, lu, vại, chum, giếng, lọ cắm hoa… Cách thức tấn công của loại muỗi này là từ bên dưới hoặc phía sau, có thể là từ bên dưới bàn hoặc ghế và chủ yếu đốt ở bàn chân và mắt cá chân

Muỗi-Aedes-aegypti

Muỗi aedes aegypti - muỗi vằn hoạt động mạnh vào ban ngày

Muỗi Anophen

Muỗi Anophen cũng là một trong những tác nhân truyền ký sinh trùng sốt rét cho người. Muỗi trưởng thành có màu nâu sẫm và đen. Điểm khác biệt của loài muỗi này so với những loài khác là lúc nghỉ ngơi phần bụng sẽ hướng lên, không hướng xuống dưới. Chiều dài của cơ thể muỗi Anophen thường bằng với chiều dài của vòi, trên cánh có các vẩy màu đen trắng.

Những vùng nước ngọt là địa điểm lý tưởng để loài muỗi sốt rét trú ngụ và sinh sản. Trong suốt vòng đời, muỗi cái có thể thực hiện giao phối nhiều lần dù chỉ sống được vài tuần đến một tháng. Chúng thực hiện việc hút máu để bổ sung chất dinh dưỡng nuôi trứng lớn.

Muỗi-Anophen

Muỗi anophen truyền ký sinh trùng sốt rét cho người

Vòng đời phát triển của muỗi vằn

Vòng đời của muỗi vằn trải qua 4 giai đoạn gồm: trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành. Muỗi trưởng thành có tuổi thọ từ 2 tuần đến 1 tháng tùy thuộc vào điều kiện môi trường có thuận lợi hay không. Còn thời gian phát triển cho các giai đoạn cho đến khi trưởng thành sẽ kéo dài từ 1 đến 3 tuần.

Giai đoạn trứng

Muỗi vằn cái sau khi hút máu từ người hoặc các loài động vật có vú khác sẽ bắt đầu đẻ trứng, số lượng trung bình từ 100 đến 200 trứng một lần. Trong suốt vòng đời, nó sẽ sinh sản khoảng 5 lần và số lượng trứng mỗi lần tùy thuộc vào lượng máu đã hút.

Muỗi có khả năng sinh sản theo từng đợt nhỏ, tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Thông thường, trứng muỗi sẽ được đặt tại những nơi ngập nước hoặc ẩm ướt như gốc cây, thùng phuy, chậu, xô, bình hoa, lốp xe, bồn chứa… Vì vậy, giữ cho các vật dụng luôn khô ráo cũng một trong những cách đuổi muỗi hiệu quả.

Trứng muỗi lúc mới sinh có màu trắng nhưng sẽ lập tức chuyển sang màu đen bóng sau vài phút. Trong điều kiện khí hậu ấm áp lý tưởng, trứng muỗi sẽ nở chỉ trong 2 ngày.

Giai đoạn ấu trùng

Ấu trùng muỗi (hay còn gọi là lăng quăng, bọ gậy) thường sống trên bề mặt nước và lặn xuống nếu mặt nước bị khuấy động. Thức ăn của chúng chủ yếu là các chất hữu cơ trong nước như tảo và các vi sinh vật.

Chúng treo lộn ngược từ mặt nước và sử dụng một bộ phận là ống siphon ở cuối phần đuôi để thở. Trong giai đoạn ấu trùng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ có vài lần lột xác để kích thước phát triển lớn hơn. Ở lần lột xác cuối cùng, ấu trùng sẽ biến thành nhộng.

Giai đoạn nhộng

Nhộng là giai đoạn phát triển thứ 3 trong vòng đời của muỗi vằn. Lúc này phần lớn thời gian chúng sẽ bất động và chỉ phản ứng với các kích thích. Muỗi sẽ phát triển đủ các bộ phận bên trong kén nhộng.

Nhộng mất khoảng 2 ngày để có thể nở thành muỗi trưởng thành. Khi đến thời điểm, muỗi sẽ phá lớp da bảo vệ và nuốt không khí để mở rộng bụng, cánh và đầu. Muỗi đứng trên mặt nước một lúc để hong khô cơ thể sau đó bay đi bắt đầu vòng đời mới.

Muỗi trưởng thành

Sau khi tìm bạn tình để giao phối, muỗi vằn sẽ đi tìm nguồn máu từ người hoặc động vật để nuôi trứng. Một cá thể muỗi vằn cái có thể sống từ 20 đến 40 ngày, trong khi với muỗi đực là từ 9 đến 12 ngày.

vong-doi

Giai đoạn phát triển của muỗi

Muỗi lây bệnh như nào?

Virus Dengue không thể lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, bệnh nhân sau khi bị nhiễm virus có thể là nguồn truyền virus cho những con muỗi khác. Người bị nhiễm là người mang bệnh từ nước này sang nước khác hoặc từ vùng này sang vùng khác trong thời gian virus lưu hành và nhân lên trong máu của họ.

Sau khi muỗi cái Aedes aegypti hút máu bệnh nhân sốt xuất huyết, nó cũng sẽ bị nhiễm virus Dengue. Thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để virus nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, nó có thể truyền virus Dengue cho những người người khỏe mạnh khác khi bị muỗi đốt.

Mặt khác, muỗi Aedes còn có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác bằng sự thay đổi vật chủ khi bữa ăn máu bị gián đoạn. Mặc dù tìm thấy rất ít số lượng muỗi cái trong ổ dịch nhưng chính sự hút máu nhiều lần của muỗi là lý giải cho sự bùng nổ tự nhiên của các dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 - 7 ngày.

Do vậy, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, ngay khi phát hiện thì nên nằm trong màn hoặc mùng, để tránh trở thành nguồn lây bệnh cho những người xung quanh.

CACH-TRUYEN-NHIEM6

Cách lây bệnh của muỗi

Triệu chứng Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ)

Bệnh này thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4 - 7 ngày, tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:

Sốt cao, lên đến 40,5 độ C.

Nhức đầu nghiêm trọng.

Đau phía sau mắt.

Đau khớp và cơ.

Buồn nôn và ói mửa.

Phát ban.

Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt và thuyên giảm sau 1 - 2 ngày. Bạn có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.

cac-triue-chung

Các triệu chứng của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có chảy máu

Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue):

Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bạn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi ở người lớn). Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

hội-chứng-sốc-dengue

Các triệu chứng của sốt xuất huyết

Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Bệnh sốt xuất huyết trải qua ba giai đoạn: sốt – nguy hiểm – hồi phục.

Giai đoạn sốt

Sốt là biểu hiện sớm nhất của bệnh:

Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm nhiệt độ.

Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

Da xung huyết.

Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện sau:

Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ).

Tràn dịch màng phổi có biểu hiện: đau ngực, cảm giác tức nặng ngực, đau ngực tăng khi thay đổi tư thế, khó thở.

Tràn dịch màng bụng: bụng to nhanh, chướng bụng, khó thở.

Gan to: đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.

Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc do giảm khối lượng tuần hoàn với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, tiểu ít.

XUAT-HUYET-DUOI-DA

Dấu hiệu xuất huyết dưới da (khi căng da không mất đi)

Xuất huyết

Xuất huyết dưới da: nốt xuất huyết hoặc mảng xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn.

Xuất huyết ở niêm mạc: chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.

Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não với biểu hiện nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh....

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Giai đoạn hồi phục

Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn này kéo dài 48 - 72 giờ. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Xét nghiệm các chỉ số dần trở về bình thường.

Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết có thể gây nên các biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc sốt xuất huyết.

Xuất huyết nặng.

Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

Suy tạng nặng.

Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.

Suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu (không có nước tiểu), ure, creatinin tăng cao.

Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não).

Viêm cơ tim, suy tim.

Phòng Bệnh

Ứng dụng khoa học

Viện Dịch tễ Trung ương đã cấy vi khuẩn Wolbachia (còn gọi là vi khuẩn Bỏng Ngô) vào trứng loài muỗi Aedes aegypti. Để khi nở ra, bản thân muỗi con đã mang trong mình vi khuẩn Wolbachia, có tác dụng làm ức chế khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết

Chủ động phòng tránh

Nhằm kiểm soát và khống chế muỗi sốt xuất huyết truyền bệnh một cách hiệu quả, bạn và gia đình cần thực hiện những cách đuổi muỗi sau:

Không để nước tù đọng lại trong nhà

Tuyên truyền việc quy hoạch lại khu vực dân cư và cách dự trữ nước sinh hoạt ở các hộ gia đình: làm nắp đậy kín các bể chứa nước, thường xuyên lau rửa bể, chum, vại.

Thực hiện tổng vệ sinh môi trường, thu dọn hoặc loại bỏ các dụng cụ có thể chứa nước mưa đọng như lốp xe, hộp nhựa, chai lọ… Ngoài ra bạn cũng nên lấp các vũng nước bằng đất, cát hoặc tháo cạn nước. Mặt khác, bạn có thể mua các loại đèn diệt muỗi bố trí trong nhà để thu hút muỗi trong phòng bay vào và giết chúng.

Phát quang bụi cỏ, bụi rậm ngăn cản môi trường sống muỗi sốt xuất huyết

Nếu xung quanh khu vực ở có cây cối, bụi rậm um tùm thì bạn nên phát quang. Bên cạnh đó, bạn hãy phối hợp sử dụng thêm các loại thuốc xịt muỗi để tiêu diệt chúng ngay tại nơi trú ẩn. Đây là cách vừa giúp giảm đi các nơi để cho muỗi sinh sản trong các ổ nước, vừa không cho muỗi trưởng thành có chỗ trú ẩn.

Cho muối vào vào những khu vực đọng nước trong nhà

Nuôi thả một số loại cá nhỏ hoặc giáp xác ăn bọ gậy vào hồ cá kiểng. Cho muối hoặc dầu hỏa, dầu mazut vào nước chống kiến ở dưới chân chạn kệ tủ, gạc-măng-rê để không cho muỗi đẻ trứng.

Trồng cây đuổi muỗi

Trồng các loại cây đuổi muỗi “khắc tinh” khiến muỗi phải tránh xa như tỏi, sả… Ngoài ra, vỏ cam, quýt, bưởi cũng có mùi hương làm muỗi không dám đến gần. Giữ lại vỏ sau khi ăn, phơi khô và đốt cháy trên lửa, không những giúp đuổi muỗi ra khỏi nhà bạn mà còn lưu lại mùi hương dễ chịu.

Lắp đặt màn chống muỗi

Giăng các loại lưới hoặc lắp đặt cửa lưới chống muỗi để ngăn không cho chúng bay vào nhà. Khi ngủ, bạn hãy sử dụng thêm màn chống muỗi để ngăn chúng không có cơ hội tấn công gia đình bạn. Đây là một trong cách đuổi muỗi hiệu quả nhất và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình bạn.

CACH-PHONG-TRANH

Hình ảnh cách phòng tránh sốt xuất huyết

>>> Thông tin tham khảo dịch sốt xuất huyết:

Tình trạng sốt xuất huyết tại TPHCM

TP.HCM có thể bùng phát dịch sốt xuất huyết

Số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh ở TP.HCM, thêm 121 ổ dịch mới - Báo Tuổi Trẻ

.......................................

Thông tin liên hệ:

Care Việt Nam

Địa chỉ:

TP.HCM: Tầng 7, Trung Tâm Thương Mại GigaMall, 240 - 242 Phạm Văn Đồng, P. Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh.

Đà Nẵng: 586 Nguyễn Hữu Thọ, P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà King Palace, 108 Nguyễn Trãi, P. Thượng Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Hotline: 0909 411 885 | 0911 401 955 | 0979 045 766

Email: cs@taisei-bm.com.vn

Facebook: https://www.facebook.com/carevietnam.vn

Linkedin: https://www.linkedin.com/company/care-vn/